Lịch sử Trưởng_công_chúa

Con gái đích trưởng

Danh hiệu 「"Trưởng công chúa"」 lần đầu xuất hiện khi Hán Văn Đế Lưu Hằng phong cho con gái cả Lưu Phiếu làm Trưởng công chúa, ban thực ấp ở huyện Quán Đào, thế nên có danh xưng Quán Đào công chúa[1]. Căn cứ Hậu Hán thư - Hoàng hậu kỷ:「"Hán chế, Hoàng nữ phong Huyện công chúa, nghi phục như Liệt hầu. Những người được trọng vọng, gia phong hiệu Trưởng công chúa, nghi phục ngang Phiên vương"」[2].

Có thể thấy thời đó, danh hiệu "Trưởng công chúa" dùng để phong con gái đầu lòng của Hoàng đế do Hoàng hậu sở sinh, theo cách nói của người Hán là 「"Đích trưởng nữ"; 嫡長女」. Thời Hán Vũ Đế, con gái đầu lòng của ông do Hoàng hậu Vệ Tử Phu hạ sinh là Đương Lợi công chúa được phong Vệ Trưởng công chúa (衛長公主), sau Hán Quang Vũ Đế cũng phong con gái cả Lưu Nghĩa Vương làm Vũ Dương Trưởng công chúa (舞陽長公主)[3].

Hoàng tỷ muội

Tuy nhiên, Hoàng đế cũng phong chị em của mình danh hiệu 「"Trưởng công chúa"」, như Hán Vũ Đế phong chị ông Dương Tín công chúa trở thành một "Trưởng công chúa"[4], Hán Chiêu Đế phong chị mình là Ngạc Ấp công chúa làm Cái Trưởng công chúa (蓋長公主). Chế độ "Trưởng công chúa" khi này vẫn chưa quy định về thân phận ai mới có thể nhận, mà thiêng về quyết định riêng của Hoàng đế nhiều hơn.

Về sau, Thái Ung khi chú giải Sử ký Tư Mã Thiên, đã chú rằng:「"Đế nữ phong Công chúa, nghi phục ngang Liệt hầu. Tỷ muội phong Trưởng công chúa, nghi phục ngang Chư hầu Vương"」[5]. Sách Hậu Hán thư cũng có đoạn:「"Thời An Đế, Hoàn Đế, các em gái đều phong Trưởng công chúa, đều ngang các vị Hoàng nữ"」[6]. Như vậy cuối thời Đông Hán, khái niệm 「Trưởng công chúa là tỷ muội của Hoàng đế」 đã chính thức hoàn thiện. Từ đó về sau, danh hiệu này chuyên dùng để chỉ chị/em gái của Hoàng đế tại vị. Cũng suốt thời Đông Hán, các Hoàng nữ là chị em gái của Hoàng đế cũng lần lượt trở thành Trưởng công chúa, bất kể thứ bậc. Thời Tống Huy Tông, nghe theo lời Thái Kinh, Hoàng đế sửa danh hiệu cho các Hoàng nữ thành Đế cơ (帝姬), do đó các chị em gái của Hoàng đế trở thành Trưởng Đế cơ (長帝姬), như em gái Huy Tông là Hiền Tĩnh Trưởng đế cơ. Tuy nhiên, về sau chế độ này bị Tống Cao Tông bãi bỏ, thiết lập lại danh hiệu Công chúa như cũ[7].

Từ thời nhà Đường, triều đình quy định cô của Hoàng đế sẽ tôn xưng Đại Trưởng công chúa (大長公主), vị Chính nhất phẩm, quy chế này kéo dài sang đến đời nhà Minh[8][9]. Đời nhà Thanh kể từ sau thời Khang Hi, không xét vai vế cô, chị, em gái hay Hoàng nữ của Hoàng đế đều chỉ xưng đơn giản là "Công chúa" kèm theo vị hiệu.